Thân phận của Hậu phi Hậu_cung_Nhà_Thanh

Khái quát

Bài chi tiết: Xã hội thời Thanh

Xã hội triều Thanh được phân ra hai loại thân phận chính, và hai loại thân phận này có ảnh hưởng trực tiếp đến xuất thân của Hậu phi triều Thanh:

Thời Thanh cũng như các triều trước đó không phân biệt nặng về dân tộc tính, mà phân biệt về quy chế Hộ tịch. Cho dù là người Hán, thì có phân vào Kỳ phân Tá lĩnh hay Bao y cũng đều được xem là "Kỳ nhân", cũng chính là 「Người Mãn」 theo cách nói chính thức. Những người theo quy chế Mông Cổ Minh kỳ tuy có thể xem là dạng riêng biệt, nhưng khi chiếu theo đãi ngộ thì cũng đều được xem như là Kỳ nhân bình thường. Bên cạnh đó, dù đều là Mông Cổ, thế nhưng "Mông Cổ Minh kỳ" vào triều Thanh đều là những người Mông Cổ có gốc du mục, phần lớn là Vương công bộ tộc, khác với "Mông Cổ Bát kỳ" đã sớm thành thục theo cách ăn nói của người Mãn.

Trong các loại thân phận này, dễ nhầm lẫn nhất chính là 「"Hán Quân"」 cùng 「"Hán nhân"」. Như đã nói, dù là người Hán hay người Mãn, chỉ cần được phân vào Kỳ tịch thì tức là "Kỳ nhân", đều được đối đãi như nhau. Phim truyện về triều Thanh đặc biệt rất hay nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Đời Thanh có quy tắc「Mãn-Hán không thể liên hôn」 , trong đó "Hán" chính là nói đến Hán nhân, không phải người Hán Quân Bát kỳ. Ngoài ra, những người có thể có gốc Hán mà được phân vào Bao y, cũng đều là "Kỳ nhân", không còn là "Hán nhân" nữa. Giữa Kỳ phân và Bao y đôi khi cũng dễ bị nhầm lẫn, điểm dễ nhận biết nhất giữa Kỳ phân và Bao y là:

  • Đối với Kỳ phân Tá lĩnh, ngoại trừ màu sắc của Kỳ tịch, thì phải kèm theo ba loại Kỳ phân, tức Mãn Châu, Mông Cổ hay Hán Quân. Ví dụ, nếu được giới thiệu là ["Mãn Châu Chính Hoàng kỳ Tá lĩnh"], thì đây là người thuộc Kỳ phân Tá lĩnh.
  • Đối với người Bao y, ngoại trừ không có Kỳ phân và có thêm chữ "Bao y", thì đều như Kỳ phân Tá lĩnh. Ví dụ, nếu được giới thiệu là ["Chính Hoàng kỳ Bao y Tá lĩnh (hoặc Quản lĩnh)"], đây là người thuộc tầng lớp Bao y.

Tuyển tú nữ

Bài chi tiết: Bát Kỳ tuyển tú
Thư phi Diệp Hách Lặc thị - một ví dụ cho Hậu phi thông qua Tuyển tú.

Sau khi nhập quan, Hậu phi nhà Thanh chủ yếu là từ tầng lớp Bát Kỳ của Mãn Châu Bát kỳ, Mông Cổ Bát kỳHán Quân Bát kỳ, tức Kỳ phân Tá lĩnh. Các nàng sẽ thông qua cái gọi là [Bát Kỳ tuyển tú; 八旗选秀], đường đường chính chính nhập cung dưới sự chỉ định của Hoàng đế hoặc Hoàng thái hậu. Những cô gái dự tuyển trong Bát Kỳ tuyển tú được gọi là Tú nữ (秀女), đầu tiên cần thiết là huyết thống thuần khiết con gái nhà quan viên, bảo trì tôn nghiêm cùng đặc quyền của giai cấp quý tộc Mãn Thanh. Sau khi bảo đảm huyết thống cùng địa vị xã hội, thì mới tới dung mạo của nữ tử. Chế độ [Bát Kỳ tuyển tú] không chỉ để chọn tần phi, mà còn để chọn con cái mà chỉ hôn cho Hoàng tử tông thân, nên xét về gia thế cơ bản của bất cứ quý tộc Mãn Thanh nào, cũng đều sẽ có con gái dự tuyển trúng.

Cứ mỗi 3 năm, quan viên bộ Hộ phối hợp Nội vụ phủ sẽ tiến hành tuyển chọn con gái nhà đàng hoàng trong Bát Kỳ, độ từ 14 tuổi đến 16 tuổi và không tàn tật để tham gia đợt tuyển lựa Tú nữ. Khi chọn lựa Tú nữ, thì em gái của Hoàng hậu và tước Tần trở lên đều được miễn. Về tiêu chuẩn thân phận, phàm là quan viên Bát Kỳ đến Lính lệ, trong nhà nếu có con gái hợp tuyển thì đều bị đưa tên vào thi tuyển. Từ năm Gia Khánh năm thứ 11, cho mệnh Hán Quân Bát Kỳ từ "Bút thiếp thức" trở lên có con gái đến tuổi, đều dự tuyển. Năm thứ 18, mệnh Mãn Châu, Mông Cổ từ Hộ quân trở lên đều bị tuyển. Theo thông lệ, mỗi ngày tuyển hai kỳ, lấy nhân số nhiều ít đều xứng, không tự ý phân. Trước một ngày, Cai kỳ Tham lĩnh, Lĩnh thôi tập bày xe. Như chọn [Tương Hoàng kỳ] và [Chính Hoàng kỳ], xét mỗi kỳ Mãn - Mông - Hán thì phân ra 3 cỗ, mỗi cỗ ghi tuổi tác, phân ra trước sau thứ tự, [Tương Hoàng kỳ] trước rồi [Chính Hoàng kỳ] theo sau, các xe cứ thế đi theo hình đuôi cá, xa thụ song đăng. Buổi chiều tối bắt đầu, nửa đêm nhập cửa sau đến bên ngoài Thần Vũ môn (神武門), theo thứ tự xuống xe mà vào. Các xe ấy sau khi để người xuống thì đi từ Thần Vũ môn ra đến Đông Hoa môn (東華門), qua đến Sùng Văn môn (崇文門) rồi ra đến Bắc phố xá, sau lại vòng cửa sau chạy ngược lại đến Thần Vũ môn, lúc này đã tầm giờ Tị giờ Ngọ hôm sau, đã qua quá trình Tuyển tú, các Tú nữ lần lượt ra xe mà về.

Các Tú nữ đi từ Thần Vũ môn đến Thuận Trinh môn (順貞門) thì xin đợi, có Hộ bộ Tư quan quản lý. Đến khi, Thái giám Ấn ban dẫn vào, mỗi ban 5 người, lạy mà không quỳ. Khi đến trước mặt Hoàng đế và Hoàng thái hậu, Tú nữ được đọc tên sẽ đứng lên trước, mắt cúi xuống, không nhìn trực diện Lưỡng Cung, hoàn toàn không được nói gì cả, cho đến khi người Tú nữ kế tiếp được đọc tên thì lui về hàng sau. Khi được chọn, nàng đó sẽ là [Lưu bài tử; 留牌子], sau đó lại tham gia "Phục tuyển", nếu không gọi lưu lại thì là bị rớt, còn lưu lại thì tiếp tục. Khi phục tuyển lần thứ hai, các Tú nữ sẽ có hai vận mệnh, một là chỉ hôn cho Hoàng thân, hai là lưu lại dự trù làm cung phi. Tuy nhiên, Lưu bài tử để vào cung cũng trải qua nhiều quá trình khác, nhiều lần "Phục khán", "Ký danh", lại được Hoàng đế đích thân lựa chọn thì "Thượng ký danh", bắt đầu quá trình "Lưu cung trụ túc" để tỉ mỉ khảo sát, ai hoàn thiện được sẽ là Hậu phi, còn không sẽ bị loại, gọi là [Lược bài tử; 撂牌子].

Sau khi vào cung, Tú nữ như nhau sơ phong Đáp ứng, Thường tại hay Quý nhân tùy vào ý định của Hoàng đế. Tước vị "Quý nhân" đa số xuất thân từ cao môn tử đệ qua nhiều thế hệ, còn "Thường tại" cùng "Đáp ứng" chỉ cần là con gái chức "Bái đường a" là có thể được phong, thân phận tương đối không hiển hách mới bị liệt vào hàng này. Đặc biệt rằng trong quá trình lịch sử cùng hồ sơ ghi nhận, hầu như không Tú nữ nào tham gia Bát Kỳ tuyển tú bị chỉ định làm "Đáp ứng", mà tước này thường là từ Cung nữ tử tiến phong mới phải qua mà thôi. Vào thời kì cuối như Hàm Phong, Đồng Trị, Quang Tự; cung đình nhà Thanh lại có nhiều phá lệ, phong Tú nữ làm Tần ngay khi tuyển tú (như Hiếu Trinh Hiển Hoàng hậu, Cẩn phi cùng Trân phi).

Tuyển chọn cung nữ

Lệnh Ý Hoàng quý phi Ngụy Giai thị - một ví dụ cho Hậu phi là Cung nữ.

Cung nữ nhà Thanh, được gọi bằng những danh xưng như Cung nữ tử (宮女子), Quan nữ tử (官女子), Hạ quan nữ tử (下官女子), Sử lệnh nữ tử (使令女子), Hạ nữ tử (下女子) hay Sử nữ (使女), thậm chí là Đáp ứng (答应). Họ chủ yếu đến từ đợt xét tuyển của Nội vụ phủ mà vào cung, chế độ này được gọi là Nội vụ phủ tuyển tú (內務府選秀).

Căn cứ Thanh cung trung dĩ Cung nữ vi Chủ đích nữ phó giai tằng (清宫中以宫女为主的女仆阶层), tuyển chọn cung nữ thời Thanh đã sớm ở năm Thuận Trị thứ 8 (1661), ghi lại:「"Phàm nữ tử từ Nội phủ Tá lĩnh (tức Bao y Tá lĩnh), Nội phủ Quản lĩnh (tức Tân giả khố), khi được 13 tuổi, thì Tá lĩnh cùng Quản lĩnh tạo danh sách để kê trình, giao Tổng quản Thái giám duyệt xem”」[14]. Nói cách khác, khi tuyển chọn cung nữ, các nàng cần phải đủ tuổi và có kỳ tịch thuộc Nội vụ phủ Tá lĩnh và Quản lĩnh của 「Thượng Tam kỳ Bao y」, gồm Tương Hoàng kỳ, Chính Hoàng kỳ và Chính Bạch kỳ. Người Bao y cơ bản chia ra làm hai dạng, thuộc Tá lĩnh hoặc "Nội Quản lĩnh" - cũng gọi là Tân giả khố.

Rất nhiều người hiện đại cho rằng giai cấp "Bao y" đều là nô lệ, thế nhưng trên thực tế thì không phải như vậy. Trong giai cấp Bao y cũng có cũng có quan lại mức "Thế gia", chia ra nhà làm quan viên hoặc là người bình dân. Đặc biệt ở Trung kỳ và Vãn kỳ triều Thanh, giai cấp Bao y có rất nhiều nhà đều thuộc hàng Nhất đẳng Thế gia trong xã hội Bát kỳ, về chức quyền hay tài lực cũng không hề thua kém các thế gia Kỳ phân Tá lĩnh, điển hình là gia tộc Nội vụ phủ Tương Hoàng kỳ Hoàn Nhan thị, hậu duệ nhà Kim khi xưa, vị Cách cách Vương Mẫn Đồng nổi tiếng thời Thanh mạt cũng xuất thân từ gia tộc này. Theo lệ triều Thanh, tất cả con gái nhà Bao y, cho dù là quan lại hay bình dân, tất cả đều phải qua tuyển chọn của Nội vụ phủ và nếu trúng tuyển thì vào cung làm Cung nữ phục vụ Hậu phi. Chỉ là từ triều Càn Long trở đi, giới quan lại Bao y ngày càng cường đại nên dần dần cũng có quy tắc ngầm, con gái nhà quan viên hạng cao chỉ cần nộp tên lên dự tuyển, quá trình còn lại sẽ được "âm thầm" gạch tên đi, từ đó trở đi đại đa số cung nữ triều Thanh vào cung chỉ còn là con nhà bình thường trong tầng lớp Bao y, không còn tình trạng con gái nhà Bao y cao cấp phải vào cung nữa.

Tất cả nữ tử Bao y đều phỏng vấn ở Ngự hoa viên trong Tử Cấm Thành, mỗi lượt chọn 5-6 người, sau đó trở thành cung nữ, ngay lập tức được phân phối đến các cung điện phục vụ cho Hậu phi, những ai không được chọn thì có thể về nhà kết hôn. Sau đó họ phải trải qua quá trình kiểm tra kỹ năng, trong đó "Thêu" (繡) là loại kĩ nghệ hàng đầu của cung nữ, và cũng là công việc chủ yếu của họ sau khi vào cung. Bên cạnh đó, triều đình còn quan sát thân thể và dáng vẻ, người nào không hợp tắc sẽ trả về, ai được chọn sẽ được học lễ nghi, đọc sách và viết chữ, ai ưu tú thì được hầu hạ Thái hậu hoặc Hoàng hậu, không thì Phi tần và Quý nhân trở xuống[15]. Quy trình tuyển Tú nữ của Nội vụ phủ giống như Kỳ phân Tá lĩnh, chỉ là địa điểm đỗ xe là ở Địa An môn (地安門).

Như đã đề cập ở trên, bởi vì là "Nội vụ phủ tuyển tú" là tuyển chọn cả con gái quan viên lẫn nhà bình dân trong tầng lớp Bao y, cho nên cũng có trường hợp tiểu thư nhà quan phải vào hầu cận, mà chủ tử lại có thân phận còn kém hơn cung nữ, hoặc cung nữ có thân phận quá kém không xứng hầu hạ những vị cao quý như Thái hậu cùng Hoàng hậu. Từ thời kỳ Ung Chính thì triều đình đã nhận thấy vấn đề này nên đã ra ghi định, căn cứ theo Quốc triều cung sử (国朝宫史) ghi lại, các cung nữ hầu hạ cho tước Tần trở lên tắc phải được tuyển từ con nhà Thế gia trong tầng lớp Bao y, còn những Hậu phi chỉ là dạng Ngự thiếp như Quý nhân và Thường tại thì mới tuyển các con gái Bách đường a, Giáo úy, Hộ quân hay Phi giáp có thân phận nhàn tản vào hầu hạ[Chú 11]. Tới triều Càn Long, con gái nhà quan chính thức sẽ không được chọn. Khác với các triều đại trước, thì các Hoàng đế triều Thanh không có cung nữ hầu mà chỉ có Thái giám, như bản thân Thanh Thánh Tổ trong Đình huấn cách ngôn (庭训格言) có nói:「"Vào thời Minh, cung nữ trong cung có mấy nghìn người, tiền son phấn phải đến trăm vạn. Nay Trẫm định, Sử nữ trong cung dừng mức 300 người, những người chưa hầu cận Trẫm, tuổi khi 30, xuất cung và cho hôn phối"」[Chú 12]. Cho nên, việc tuyển chọn cung nữ thời Thanh vào chỉ là để hầu cận Hậu phi hoặc Thái hậu và Thái phi, hoặc cùng lắm là các Hoàng tử còn ở trong cung, vì thế số lượng cung nữ triều Thanh thông thường rất ít, cao lắm là hơn 300 người một chút trong tổng thời gian, do vậy mỗi lần tuyển chọn cung nữ đều không quá 100 người. Căn cứ hồ sơ tuyển cung nữ thời Đồng Trị và Quang Tự có ghi lại, mỗi lần tuyển cung nữ thì nhân số đại khái 80 người.

Phân phối cung nữ triều Thanh không cố định, gần như mỗi triều lại có mức khác nhau. Đây là mức thường thấy nhất:

  • Hoàng thái hậu, 12 người;
  • Hoàng hậu, 10 người;
  • Hoàng quý phi, 8 người;
  • Quý phi, 8 người;
  • Phi, 6 người;
  • Tần, 6 người;
  • Quý nhân, 4 người;
  • Thường tại, 3 người;
  • Đáp ứng, 2 người;
  • Ngoài ra các cung nữ cũng được phái hầu hạ làm "Thông phòng nha đầu"[Chú 13] cho các Hoàng tử chưa xuất cung, hoặc là làm Thị tỳ đi theo các Phúc tấn cùng Thị thiếp của các Hoàng tử chưa xuất cung.

Đời sống của cung nữ thời Thanh tương đối hạn chế, bởi vì số lượng rất ít, thời điểm cao nhất thì toàn bộ Tử Cấm Thành chỉ có khoảng 300 người, mà công việc của họ chỉ phục vụ Hậu phi, cho nên quy tắc kiềm chế cho họ cũng gắt gao. Sách Cung nữ đàm vãn lục (宫女谈往录) thời Dân Quốc, tuy thông tin phần nhiều bị nghi ngờ về độ khả tín, thế nhưng đại khái cũng có ý đúng về cuộc sống nghiêm ngặt của cung nữ triều Thanh. Trong sách có một quy tắc chuẩn xác được ghi lại, cung nữ không được tùy tiện rời khỏi cung điện mà mình phục vụ, khi rời khỏi thì nhất thiết phải có ít nhất 2 người cùng đi.

Khác với các chủ nhân ở hậu cung, cung nữ đời nhà Thanh chỉ phải ở trong cung đến 25 tuổi là có thể xuất cung và sống như những người phụ nữ bình thường khác, như lấy chồng sinh con... Cũng có những trường hợp cung nữ không có chỗ để đi, triều đình cũng sẽ sắp xếp cho họ ở trong một dãy phòng riêng trong Tử Cấm Thành. Khi ấy, họ trở thành những cung nữ lớn tuổi với kính xưng "Cô cô" (姑姑), không cần làm việc gì mà chỉ nhận mức chu cấp theo quy định, thỉnh thoảng họ còn sẽ được giao hướng dẫn nghiệp vụ cho các cung nữ trẻ tuổi. Cá biệt có một số cung nữ sẽ được lâm hạnh mà trở thành Hậu phi, ví dụ như Lệnh Ý Hoàng quý phi Ngụy thị vốn là một cung nữ của Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, được Hiếu Hiền hậu "tiến cử" mà trở thành Hậu phi; hoặc là được phái hầu hạ phòng the cho Hoàng tử và khi Hoàng tử ấy đăng cơ thì cũng trở thành Hậu phi, giống như Hòa phi Na Lạp thị triều Đạo Quang. Còn có những trường hợp như được ban làm nha hoàn hồi môn cho Công chúa, hoặc ban làm thiếp cho quan thần, ví dụ Kỷ Hiểu Lam từng được ban hai cung nữ làm thiếp. Sau khi ra khỏi cung, người cung nữ đó không được phục tiến, không được đến cửa cung thỉnh an, nhưng cũng có lệ cung nữ được sủng ái, sau khi ra khỏi cung cũng được triệu về trở lại trong một thời gian. Lời đồn rằng, cung nữ Song Hỉ (雙喜) của Từ An Thái hậu từng được gọi vào trở lại. Hay cung nữ Vinh Tử (荣子) của Từ Hi Thái hậu, từng chỉ hôn cho một viên Thái giám, sau được triệu hồi trở lại[16].

Tuy thân phận hầu hạ, nhưng người Bao y trong xã hội đời Thanh đều là "Lương dân", cho nên không thể tự tiện lăng nhục. Theo quy định trong cung đình nhà Thanh, các cung nữ nếu bị tội thì sẽ bị phạt quỳ, phạt trượng đánh, nếu phạm đại tội bất nghịch thì cao lắm là đuổi khỏi cung, không thể tự ý giết chết. Dù cho bị phạt, thì có một quy tắc chính là không thể phạt đánh vào mặt cung nữ, còn ngoài ra thì dùng trượng đánh, hay bị kim chích làm đau cũng thường xuyên xảy ra. Hành hạ cung nữ quá mức sẽ khiến Hậu phi bị luận tội, như Đôn phi Uông thị của Cao Tông từng đánh chết cung nữ mà bị trách phạt và giáng xuống làm Tần. Ngoài ra, tuy các vị Hậu phi có quyền xử phạt cung nữ của mình, nhưng đối với cung nữ của người khác thì chỉ có 「"Quyền hạch tội"」, tất cả những chuyện đưa ra phán quyết đều phải chờ Hoàng đế quyết định, đến cả Thái hậu cũng không thể tùy tiện thay Hoàng đế quyết định. Nếu cung nữ bị tội danh xác đáng, tất cả phải thông qua lấy khẩu cung từ Thận hình ty, sau đó quan viên cấp cao của Nội vụ phủ dâng lên và Hoàng đế mới ra quyết định sau cùng. Bởi vì cung nữ đều là "Lương dân", hầu như rất ít hình phạt giết chết. Trong cung đình triều Thanh đặc biệt có một việc, khi Đổng Ngạc phi chết, Thế Tổ từng đem 30 cung nữ tuẫn tang, về sau thời Khang Hi thì triệt để bỏ đi quy tắc này[17].

Hán phi

Thuần Huệ Hoàng quý phi Tô thị - một ví dụ cho Hán phi.

Trong hậu cung triều Thuận Trị, Khang Hi và Càn Long, bên cạnh các Tú nữ và các Cung nữ tử, hậu cung triều Thanh còn có xuất hiện một dạng Hậu phi xuất thân không phải người Bát Kỳ, tức không thuộc Bao y hay Kỳ phân Tá lĩnh. Với xuất thân này, họ không vào cung qua các đợt tuyển chính thức như Bát Kỳ tuyển tú hay Nội vụ phủ tuyển tú, mà đều được mua vào cung làm Cung nữ tử, sau mới được sủng hạnh làm Hậu phi, rồi mới được nâng thân phận gia tộc thành Bao y. Khi thảo luận về Hậu phi triều Thanh, các thành viên mạng xã hội Trung Quốc hiện đại gọi họ là các Hán phi (汉妃). Cần lưu ý rằng đây không phải thuật ngữ chính thức xuất hiện trong thư tịch cổ, mà nó được người hiện đại dùng để chỉ đến những Hậu phi có xuất thân kể trên.

Khái niệm 「"Hán phi"」 này có khác với cái khái niệm 「“Hậu phi vốn là người Hán”」. Như ở phần "Khái quát" bên trên đã đề cập qua, vào đời Thanh cho dù là Hán Quân Bát kỳ, Mông Cổ Bát kỳ hay Mãn Châu Bát kỳ, thì trên phương diện gốc tích họ đều được xem là "Người Bát Kỳ" hoặc 「Kỳ nhân」. Theo ý tứ này, không cần xét dân tộc tính là người Mãn, người Hán hay người Mông Cổ đi nữa, người đời Thanh khi đã có Kỳ tịch thuộc Bát Kỳ thì đều đã là người Bát Kỳ, đều hưởng quyền lợi bình đẳng như nhau. Còn những người khác đều không có Kỳ tịch, mà hộ khẩu của họ là "Dân tịch" do bộ Hộ quản lý, do đó họ còn gọi là "Dân nhân", và cũng vì đại đa số trường hợp có Dân tịch đều là người Hán nên họ còn được gọi là「Hán nhân」, dù thực tế trong tầng lớp "Dân nhân" còn có các dân tộc khác, như người Hồi Hột, người Tây Tạng hay thậm chí là người dân tộc thiểu số. Cho nên, Hậu phi xuất thân Hán Quân Bát kỳ, ví dụ Đôn Túc Hoàng quý phi Niên thị cùng Ninh phi Võ thị của Ung Chính, hoặc có xuất thân là dân tộc Hán thuộc Kỳ tịch Bao y như Lệnh Ý Hoàng quý phi Ngụy thị của Càn Long, đều không thể xem là “Hán phi” được.

Trên mạng xã hội Trung Quốc đầy truyền thuyết về Hán phi trong cung đình triều Thanh, có hai thuyết chính hay được nói nhiều nhất là ["Không thể lập Hán phi làm Hậu"] và ["Đời Thanh không tồn tại Hán phi bởi vì khi nhập quan Hiếu Trang Thái hậu đã ra chỉ dụ cấm Hán nữ nhập cung"]. Tuy nhiên trong hồ sơ Mãn văn được tìm thấy, chỉ dụ này không thấy tồn tại, thứ hai thì “Hán phi” thực sự được ghi nhận trong cung đình triều Thanh. Đời Thanh, cả ba vị Hoàng đế là Thuận Trị, Khang Hi và Càn Long đều nổi tiếng có nạp Hán phi. Với Thuận Trị, là nói đến Khác phi Thạch thị, năm Thuận Trị thứ 5, Thuận Trị Đế hạ hai đạo ý chỉ về Mãn-Hán liên hôn, có nói:「“Quan Mãn Châu cưới con gái người Hán làm vợ đều báo lại. Còn người thường không cần báo”」, đặc biệt sau đó Thuận Trị Đế còn tự “thử nghiệm” mà tuyển Hán nữ nhập cung phong làm phi tần. Khi ấy, Thạch thị từ Loan Châu xứ Hà Bắc, Trung Quốc mà được chọn, vào cung phong Phi, cư ngụ tại Vĩnh Thọ cung, còn cho phép dùng quần áo người Hán.

Từ thời Khang Hi, vì quan niệm 「"Môn đăng hộ đối"」, việc hai loại "Kỳ nhân" và "Hán nhân" không liên hôn dần thành lệ bất thành văn, cho nên tình huống quang minh chính đại nghênh thú các Hán phi triều Thanh cũng dần thu hẹp. Một ít hồ sơ trong cung cho thấy, Khang Hi Đế cùng Càn Long Đế, đã thông qua các quan viên địa phương ở Giang Nam mà mua về một số cô gái trẻ, đều xuất thân là con nhà nghèo hèn, vào cung dạy dỗ mà làm Cung nữ tử. Những cô gái ấy lớn lên, liền được mệnh cho Hoàng đế lâm hạnh mà trở thành Hậu cung chủ vị hay ban cho Hoàng tử làm Tỳ thiếp. Nhưng do vấn đề về tính chất bảo quản hồ sơ thời Thanh sơ kỳ, nhiều xuất thân của các Hậu cung chủ vị triều Khang Hi rất không rõ ràng. Căn cứ theo suy đoán mà đại đa số nghi ngờ, thì “Hán phi” triều Khang Hi có Hy tần Trần thị hoặc Tương tần Cao thị, đều có thể là Cung nữ tử người Hán được lâm hạnh. Trái lại, việc Càn Long Đế nạp các vị "Hán phi" lại có khá nhiều hồ sơ ghi lại rõ ràng, ai cũng đều có thể tra ra và biết đến, cụ thể phải kể đến Thuần Huệ Hoàng quý phi, Khánh Cung Hoàng quý phi, Phương phi, Di tần, Cung tầnLộc Quý nhân. Các vị trên sau đó đều được Càn Long Đế tạo hồ sơ giả, cả nhà đều được đưa vào thân phận Nội vụ phủ Bao y và trở thành người Bát Kỳ có kỳ tịch chính thức. Ngoài ra, cũng có một số xuất thân từ Bộ tộc gốc Duy Ngô Nhĩ hoặc Mông Cổ đến quy phụ, bọn họ đều trải qua vị trí Cung nữ tử trước rồi sau đó mới được sách phong, nếu xét theo ý nghĩa đều có thể xem là một dạng của "Hán phi". Ví dụ có Dung phi Hòa Trác thị, Dự phi Bát Nhĩ Tế Cát Đặc thị, Thận tần Bái Nhĩ Cát Tư thị và Tuân tần Quách thị triều Càn Long.

Phương thức mua Hán nữ từ Giang Nam đến triều Gia Khánh thì bãi bỏ. Với cách làm này của các vị Hoàng đế nhà Thanh cũng đã thấy rõ, Hán nữ xuất thân bình dân có thể mắt nhắm mắt mở đưa vào, còn ghi vào hồ sơ và thậm chí là cải hồ sơ thành người Bát Kỳ chính gốc. Thế nhưng cuối cùng họ đều phải đưa về hệ thống Kỳ tịch, hơn nữa phương thức có phần không hề quang minh chính đại như Bát Kỳ tuyển tú, cái khái niệm “Hán phi” đời Thanh cũng không tồn tại chính thức nhưng lại là một loại “Ngầm đồng ý” vậy.